5 Bước để Thu Hút Khách Hàng Giá Trị Cao

5 Bước để Thu Hút Khách Hàng Giá Trị Cao và Tăng Doanh Thu
Table of Contents
THÔNG BÁO BÀI VIẾT MỚI

Tôi muốn khách hàng giá trị cao.

Ai mà không muốn, đúng không?

Nhưng rất ít người thực sự biết cách “gọi” những khách sộp ấy đến một cách đều đặn và bền vững.

Nhiều bạn hay hỏi: “Sao em đăng bài hoài, nói về dịch vụ suốt, mà khách vẫn lèo tèo?”

Hay: “Sao quảng cáo ngày càng tốn tiền mà khách thì cứ ít đi?”

Câu trả lời nằm ở một quy trình cụ thể – nơi bạn hiểu họ, chạm đúng điểm đau, và khiến họ cảm thấy việc mua hàng là lựa chọn hiển nhiên.

Tôi là Đặng Tâm – người đã giúp rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế thu hút khách hàng cao cấp bằng chiến lược Marketing kết hợp tâm lý học và kinh tế học hành vi. Tôi sẽ giúp bạn “đánh bật” đối thủ và chiếm trọn niềm tin của khách hàng giá trị.

Bài này xoay quanh 5 bước then chốt giúp bạn thu hút khách hàng giá trị cao, được tôi đúc rút từ:

  • Kinh nghiệm thực chiến của chính tôi (gần 20 năm trong ngành Digital Marketing & Branding).
  • Cách Zig Ziglar đúc kết về nghệ thuật chốt sale.
  • Chiến lược “build trust” của Alex Hormozi.

Lưu ý: Bài viết này dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp.

Tôi sẽ viết chi tiết để bạn “đọc xong là thực hành luôn”.

Bước 1: Nhu Cầu (Need) – Xác Định Nhu Cầu “Ẩn” Của Khách Hàng

Tại sao bước này quan trọng?

  • Nếu khách hàng “không nhận thức” được họ có vấn đề, họ sẽ không bao giờ móc hầu bao.
  • Trong quy trình marketing, đây gọi là giai đoạn “Problem Aware” (nhận biết được vấn đề).

Làm sao để khơi gợi Nhu Cầu?

  1. Mô tả vấn đề một cách sống động
    • Dùng ngôn từ của chính họ.
    • Ví dụ: “Bạn đang bế tắc vì ngày nào cũng đăng bài Facebook mà không thấy ai inbox?”
    • Khi họ đọc, họ sẽ nghĩ “Ủa, cái này giống mình quá.”
  2. Liên hệ tình huống thực tế
    • Kể ví dụ về một doanh nghiệp vừa & nhỏ lao đao vì chi phí marketing tăng mà không có khách.
    • Nêu con số cụ thể: “Đốt 10 triệu/tháng, thu về 0 khách.” Nghe cay đắng nhưng nó thực tả được nỗi đau của khách hàng.
  3. Chứng minh hậu quả nếu không giải quyết
    • Theo Zig Ziglar, mong muốn “chạy trốn” nỗi đau của con người mạnh hơn là “tìm kiếm” niềm vui, đây là bẫy tâm trí khi ra quyết định.
    • Hãy đặt vấn đề như thế này: “Thiếu một chiến lược cụ thể, bạn sẽ bỏ lỡ hàng trăm triệu doanh thu tiềm năng mỗi năm.”

Vài kinh nghiệm thực tế:

  • Tôi từng gặp nhiều chủ doanh nghiệp “biết” họ cần marketing nhưng chưa hiểu “cần như thế nào.”
  • Sau khi “vẽ” chi tiết cơn đau (khủng hoảng khách, đối thủ vươn lên), họ mới nhận ra: “Phải làm ngay!”

Bước 2: Mong Muốn (Desire) – Khiến họ thật sự khao khát giải pháp

Vì sao Desire lại khác Need?

Giống như việc tập gym vậy.

Ai cũng BIẾT tập gym tốt cho sức khỏe, nhưng mấy ai thực sự muốn đổ mồ hôi, nhấc tạ?

Phải đến khi họ thực sự MUỐN có body đẹp để gây ấn tượng với ai đó, với xã hội, họ mới chịu đi tập.

Làm sao để khơi gợi Mong Muốn?

  1. Vẽ viễn cảnh lý tưởng
    • “Cảm giác thế nào nếu mỗi ngày bạn thức dậy, hộp thư tràn ngập yêu cầu báo giá?”
    • “Bạn có sẵn sàng trở thành doanh nghiệp tiên phong, được khách xếp hàng đón nhận?”
    • Đừng nói mơ hồ. Hãy đặt ra mục tiêu: “Tăng 30% doanh thu, rút ngắn 40% thời gian chốt deal.”
  2. Dùng “ngôn ngữ kết quả”
    • Tránh mô tả dịch vụ khô khan: “Tôi làm thiết kế, tôi làm xây dựng…”
    • Thay vào đó: “Chúng tôi xây nhà bằng vật liệu siêu bền, giúp giảm thời gian xây 1/3 và tăng tuổi thọ nhà lên 50 năm.”
  3. Khai thác số liệu (nếu có)
    • Ví dụ: “Theo thống kê của eMarketer, 81% khách hàng tìm kiếm online trước khi mua.”
    • Những con số cụ thể thúc đẩy mong muốn hành động.

Việc khơi gợi mong muốn này phải làm một cách khéo léo, không mang tính ép buộc; nói một cách khác, bạn phải “thiết kế một môi trường” mà ở đó khách hàng nhận ra rằng họ cần phải chọn phương án mà bạn gợi ý.

Bạn có thể đọc thêm về “Nudge Theory” – Thuyết Cú Hích; để hiểu rõ hơn về việc “tạo ra môi trường dẫn đến hành động tích cực”.

Câu chuyện thực tiễn:

  • Tôi thay đổi thông điệp từ “Tour khám phá Phú Yên” → “Hành trình đánh thức phiên bản TỰ DO nhất của bạn”. Kết quả: Booking tăng 150%.

Tips:

  • Dùng con số để tăng độ tin cậy: “92% khách hàng tăng doanh thu sau 2 tháng hợp tác.”
  • Kể chuyện về khách hàng thành công: “Anh A từng mất 300 triệu/năm vì website cũ – giờ anh đã thu 2 tỷ nhờ thiết kế mới.”

Bước 3: Niềm Tin (Trust) – Không tin, khó nói chuyện

Trước đây, việc phủ thông tin là điều quan trọng với mọi nhãn hàng/thương hiệu. Marketing 4.0 mang đến cho chúng ta “nền kinh tế thông tin“, nơi mà ai cũng tìm cách để khách hàng nhìn thấy mình.

Hiện tại, với kỷ nguyên AIMarketing 5.0, chúng ta đang sống trong “nền kinh tế niềm tin,” nơi bằng chứngtrải nghiệm quyết định tất cả.

Cách xây dựng Niềm Tin?

  1. Chiến lược “Irresistible Offer” (Đề nghị không thể từ chối)
    • Tặng ebook, case study, hướng dẫn nhanh.
    • Ví dụ: “5 mẫu email chào khách ‘kích thích’ phản hồi.”
    • Khi họ đọc và thấy áp dụng được, bạn ghi điểm.
  2. Social Proof (Bằng chứng xã hội)
    • Đăng phản hồi của khách cũ: “Từ khi làm việc với team D. Agency, tôi tăng 20% tỉ lệ chuyển đổi.”
    • Số liệu có thật. Tên người thật.
    • Ai cũng tin trải nghiệm người đi trước hơn lời quảng cáo suông.
  3. Minh bạch & nhất quán
    • Trong mọi bài viết, email, live stream…, hãy duy trì giọng điệu chân thành, hành xử chuyên nghiệp.
    • Đừng “vẽ” hứa hão. Nếu chưa chắc, thẳng thắn chia sẻ giới hạn.
  4. Hành trình tư vấn có trình tự
    • Đừng ném bản báo giá 100 triệu sau lần gặp đầu.
    • Hãy bắt đầu bằng buổi tư vấn ngắn, show chiến lược, đặt câu hỏi khơi gợi.

Cách tôi làm:

  • Tôi thường cung cấp “phiên tư vấn 30 phút” miễn phí. Trong 30 phút đó, tôi tập trung “đào” vấn đề, đề xuất vài ý tưởng. Họ thấy được năng lực – tôi chứng minh được giá trị.
  • Sau buổi đó, khách tin tưởng, sẵn sàng gặp thêm để bàn sâu hơn, và chấp nhận báo giá cao hơn.

Bước 4: Khả Năng Chi Trả (Money) – Đừng hỏi “Ngân sách bao nhiêu?”

Có thể hỏi “anh/chị năm vừa rồi kinh doanh thế nào?”, “mục tiêu năm nay là gì?”, v.v…

Vì sao câu hỏi “Ngân sách bao nhiêu?” gây phản cảm?

  • Khách lạnh (cold lead) có thể chưa chuẩn bị sẵn ngân sách.
  • Hỏi quá sớm = “gãi” sai chỗ, dễ bị hiểu lầm là chúng ta “chỉ quan tâm đến ví tiền của họ.”

Cách tiếp cận khéo léo:

  1. Tìm hiểu bối cảnh
    • “Quy mô hiện tại của anh/chị thế nào?”
    • “Mục tiêu doanh thu năm nay?”
    • “Chiến lược marketing nào anh/chị đã và đang triển khai?”
    • Họ tiết lộ nhiều. Bạn sẽ dần biết họ có đủ “lực” hay không.
  2. Đề xuất lộ trình nhiều bước
    • Bắt đầu với gói nhỏ hoặc gói tư vấn.
    • Tạo “Logical Next Step”: Họ bỏ vài triệu để test, thay vì ngay lập tức 100 triệu.
    • Lỡ họ không đủ khả năng, cả hai vẫn giữ được thiện cảm.
  3. Phủ đầu tinh tế
    • “Em ưu tiên chất lượng, nên một tháng chỉ nhận 2-3 dự án. Đội ngũ cần tập trung tối đa.”
    • Ai có hầu bao nhỏ cũng sẽ dè chừng, còn ai sẵn sàng thì không ngần ngại nữa.

Cách tôi làm:

  • Đặt câu hỏi gián tiếp:
    → “Anh/chị đang đầu tư bao nhiêu cho marketing mỗi tháng?”
    → “Team anh/chị có bao nhiêu người phụ trách sales?”
  • Dùng nguyên tắc “Bánh xe đàm phán”:
    Chỉ chuyển sang bước giá cả sau khi đã chứng minh được ROI tiềm năng.
  • Với khách B2B lớn, tôi thường có bảng câu hỏi ngắn: họ làm trong ngành gì, doanh thu ra sao, mục tiêu cụ thể.
  • Dựa trên đó, tôi gợi ý gói phù hợp. Họ cũng tự ngầm hiểu “giá trị cao thì giá cũng tương xứng.”

Bước 5: Tính Cấp Bách (Urgency) – Đừng “để mai tính”

Con người hay trì hoãn.

Chúng ta cần chỉ rõ “trì hoãn = mất tiền, mất cơ hội.”

4 chiêu tạo Urgency hiệu quả:

  1. Tăng giá theo thời điểm
    • “Sau ngày 30/09, bảng giá sẽ cập nhật mới, tăng 10-15% do chi phí vận hành.”
    • Rõ ràng, chân thật, không ảo. Nếu họ chần chừ, họ phải trả giá cao hơn.
  2. Giới hạn suất
    • “Mỗi tháng, tôi chỉ nhận tối đa 2 khách hàng để đảm bảo chất lượng.”
    • Điều này vừa thể hiện bạn nghiêm túc, vừa khiến khách thấy khẩn trương.
  3. Bonus giới hạn
    • “Đăng ký trước 15/10 sẽ được tặng thêm 2 buổi follow-up định kỳ miễn phí.”
    • Nhưng đừng lạm dụng. Hãy tặng gì đó thật sự có giá trị.
  4. Cost of Inaction (COI)
    • Hãy tính chi phí cơ hội. Ví dụ: “Nếu không khởi động chiến dịch ngay, bạn mất trung bình 30 khách tiềm năng mỗi tuần. Tương đương 120 khách/tháng, 1.440 khách/năm. Con số này nhân với giá trị đơn hàng trung bình, bạn sẽ thấy mình đang ‘bỏ quên’ bao nhiêu tiền.”
    • Đây không phải hù dọa, mà là thực tế.

Minh chứng thực tế:

Tôi từng hướng dẫn cho một Agency áp dụng chiêu “giá ưu đãi đến cuối tháng.” Mỗi khi chuẩn bị hết hạn, họ nhắc nhẹ: “Tuần sau áp dụng bảng giá mới. Nếu chị đăng ký trong tuần này, vẫn giữ giá cũ.” Họ tăng 40% tỷ lệ chốt ngay.

Tóm Lại

5 bước này là xương sống để thu hút khách hàng giá trị cao:

  1. Nhu Cầu – Cho khách thấy họ đang gặp vấn đề lớn.
  2. Mong Muốn – Khơi dậy khao khát giải pháp.
  3. Niềm Tin – Xây dựng nền tảng vững chắc.
  4. Khả Năng Chi Trả – Xác nhận họ đủ lực đầu tư.
  5. Tính Cấp Bách – Chốt nhanh, tránh trì hoãn.

Đây không phải lý thuyết suông.

Mỗi ngày, tôi và cộng sự đều áp dụng những nguyên tắc này để thu hút khách hàng tiềm năng, bất kể thị trường biến động.

Nếu bạn nghiêm túc muốn bứt phá, hãy dành chút thời gian tinh chỉnh và ứng dụng ngay.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ cần 1-2 thay đổi nhỏ, tỷ lệ chuyển đổi đã nhảy vọt.

Và khi bạn đã nắm vững 5 bước này, bạn sẽ hiểu rõ một điều:

Không phải cứ chạy quảng cáo mới ra khách. Không phải cứ hạ giá mới cầm chân khách.

Mà chính nhờ quy trình “gieo – tưới – gặt” chuyên nghiệp, khách hàng chất lượng tự khắc tìm đến bạn, sẵn sàng chi trả cho giá trị bạn tạo ra.

Muốn đào sâu hơn nữa? Ghé dndtam.com. Tôi viết rất nhiều case study, bài chia sẻ tại đây.

Chúc bạn sớm “kích hoạt” dòng khách VIP tràn về.

FAQs

  1. “Làm gì để thuyết phục khách hàng khi họ nói ‘Tôi chưa cần đâu’?”
  • Hãy kiên trì ở Bước 1. Giúp họ “thấm” vấn đề. Dẫn chứng cụ thể từ case study tương tự. Khách hàng phải thấy “có thể họ không cần ngay,” nhưng sớm hay muộn cũng đụng phải cơn đau ấy.
  1. “Có cách nào tránh nói ‘Tiền, tiền, tiền’ mà khách vẫn hiểu chi phí?”
  • Tập trung vào giá trị. Vạch ra lộ trình: “Mình có gói ABC đầu tư 10 triệu, mang về X lợi ích. Có gói DEF đầu tư 30 triệu, mang về gấp 3 lợi ích.” Số tiền dần rõ ràng, khách sẽ tự cân nhắc.
  1. “Tôi sợ bonus, khuyến mãi mất chất sang chảnh, phải làm sao?”
  • Quan trọng là bonus hợp lý. Thay vì giảm giá ồ ạt, hãy tặng quyền lợi thêm, ví dụ buổi training riêng, phân tích dữ liệu, tư vấn chiến lược. Như thế vẫn giữ được “premium feel.”
  1. “Tôi chỉ có mỗi kênh Facebook cá nhân, làm sao tạo sự tin tưởng?”
  • Chú trọng chứng thực xã hội (testimonial) và nội dung chuyên sâu. Tạo album các kết quả, ảnh chụp phản hồi, video hướng dẫn. Nếu có thể, gắn link về blog/website của bạn để họ đọc thêm.
  1. “Áp dụng 5 bước này cho môi trường B2B có khác gì không?”
  • Về cơ bản vẫn tương tự. Chỉ là chu kỳ mua dài hơn, nhiều bên liên quan hơn. Bạn cần kiên nhẫn, cung cấp tài liệu, bằng chứng, demo chi tiết. B2B cũng rất cần niềm tin và mong muốn.
  1. “Tôi lo công ty mình nhỏ, không đủ uy tín. Có cách gì gỡ?”
  • Lấy chuyên môn bù uy tín. Đừng làm tất cả, hãy chọn ngách hẹp. Cho khách thấy bạn chính là chuyên gia “nổi bật” trong thị trường nhỏ đó.
THÔNG BÁO BÀI VIẾT MỚI

Chuyên Mục:

Tags:

Tư vấn Digital Marketing, Branding dưới góc nhìn Kinh Tế Học Hành Vi và là cố vấn chiến lược SEO theo định hướng Semantic SEO và Topical Authority.

Bài viết này được bảo vệ bản quyển nội dung bởi DMCA; Khi người đọc thực hành các nội dung được đăng tải tại trang web này, người đọc ý thức được rằng trang web này và tác giả của bài đăng sẽ không chịu trách nhiệm cho bất cứ rủi ro nào xảy ra, hãy xem thêm về:  Tuyên bố từ chối trách nhiệm về nội dung.