Trong một buổi chia sẻ của Rory Sutherland, Phó Chủ tịch Ogilvy UK, một trong những “bộ não” marketing thú vị nhất mà tôi từng biết, ông có nhắc đến cuốn sách “Obvious Adams“. Rory kể rằng, khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề quảng cáo ở Ogilvy, ông đã được tặng cuốn sách này.
Nghe Rory nói đây là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của ông, tôi tò mò tìm đọc ngay.
“Obvious Adams” xuất bản lần đầu năm 1916, nó giống như một bài báo dài, chỉ hơn 4000 từ, đọc chưa đầy một tiếng là xong. Giờ nó đã là “public domain“, ai cũng có thể đọc miễn phí. Nhưng những bài học nó mang lại thì vô giá.
Vô giá với tôi, bởi vì, giống như nhiều người, tôi hay phức tạp hóa vấn đề. Tôi có xu hướng tìm kiếm những giải pháp ngày càng phức tạp, đến mức tự làm mình “rối như tơ vò”, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Tôi suy nghĩ quá nhiều (overthink). Và đó thực sự là một “lời nguyền”.
Vì vậy, cuốn sách đơn giản (và hiển nhiên) này giống như một “kim chỉ nam” cho tôi.
Ở tuổi này tôi có xu hướng đơn giản hóa cách làm việc của mình.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những bài học mà tôi thấy tâm đắc từ “Obvious Adams”.
LƯU Ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung cuốn sách.
Sức Mạnh Của Sự Hiển Nhiên
Cảm nhận đầu tiên của tôi về cuốn sách là: những câu trả lời tốt nhất thường là những điều hiển nhiên, ngay trước mắt chúng ta.
Thông điệp chính của “Obvious Adams” là về sức mạnh của sự đơn giản, hay như tác giả gọi là “sự hiển nhiên”.
Vậy tại sao chúng ta thường bỏ qua hoặc chống lại những giải pháp hiển nhiên?
Thiên kiến phức tạp (Complexity Bias):
Chúng ta thường cho rằng những giải pháp phức tạp thì tốt hơn những giải pháp đơn giản.
Chúng ta gắn sự phức tạp với trí thông minh, chuyên môn, và sự tinh tế. Hãy nghĩ đến các chuyên gia tư vấn (tôi là một trong số đó). Nhiều khi, phí của họ tương ứng với mức độ phức tạp của các đề xuất, và thường được “bảo chứng” bởi bằng cấp, kinh nghiệm của họ.
Các chuyên gia tư vấn như tôi thường cảm thấy cần phải chứng minh giá trị của mình bằng cách đưa ra những ý tưởng phức tạp, thay vì những giải pháp đơn giản, có thể bị coi là quá dễ dàng hoặc không đáng “đồng tiền bát gạo”.
Thiên kiến này có thể dẫn đến sự kém hiệu quả và nhầm lẫn, vì các giải pháp phức tạp thường tạo ra thêm những tầng lớp… phức tạp không cần thiết.
Trong cuốn sách, ví dụ đầu tiên là về nhân vật chính, Hunter, đang thực hiện một chiến dịch giúp khách hàng bán một dòng áo khoác mùa đông mới. Khách hàng muốn một thứ gì đó hào nhoáng và độc đáo để nổi bật so với đối thủ.
Hunter thử phương pháp “hiển nhiên” bằng cách tự hỏi: điều hiển nhiên nhất về áo khoác mùa đông là gì?
- Người ta mua chúng để giữ ấm.
- Để giữ ấm thì chất liệu phải phù hợp và chất lượng phải cao.
- Khách hàng xuống tiền khi họ thấy “yên tâm”.
Do đó anh ta đã đưa ra một khẩu hiệu chiến dịch đơn giản, tập trung vào sự hiển nhiên của vấn đề:
“Áo Ấm Nhất Cho Ngày Lạnh Nhất.”
Kết quả doanh số bán áo khoác mùa đông tăng vọt.
Có rất nhiều ví dụ về các chiến dịch tương tự trong nhiều năm qua. Tôi chợt nhớ đến chiến dịch “Got Milk?” (Bạn đã uống sữa chưa?) của Mỹ. Chiến dịch “Pin Bền, Dùng Lâu” của Pin Con Ó và “Cà Phê Đậm Đặc, Năng Lượng Tức Thì” của Trung Nguyên Coffee, hay đơn giản hơn là “Giòn Tan, Thơm Ngậy” của nhãn dầu ăn Neptune.
Thay vì đi sâu vào những ví dụ kinh điển đó, tôi muốn chia sẻ cách những giải pháp hiển nhiên có thể được áp dụng cho những quyết định hàng ngày.
Nguyên Tắc “Hiển Nhiên” Của Adams
- Hiển nhiên là những gì cần thiết: Bắt đầu bằng cách hỏi, “Nhu cầu thực sự ở đây là gì?” Hãy quên đi những mánh lới quảng cáo và những thứ rườm rà, hãy tập trung vào cốt lõi của vấn đề.
- Hiển nhiên là đơn giản: Nếu một ý tưởng có vẻ phức tạp hoặc cần nhiều lời giải thích, thì có lẽ đó không phải là ý tưởng đúng. Những ý tưởng “đỉnh nóc-kịch trần” là những thứ “nói ra-hiểu ngay“.
- Hiển nhiên là thực tế: Nó không phải là những thứ thông minh hay hào nhoáng, mà là những gì hiệu quả.
- Hiển nhiên thường bị bỏ qua: Hầu hết mọi người quá tập trung vào những thứ khác thường hoặc sáng tạo. Họ bỏ lỡ sức mạnh của giải pháp hiển nhiên.
5 Câu Hỏi Kiểm Tra Tính Hiển Nhiên
Trong ấn bản năm 1953 của “Obvious Adams”, Robert R. Updegraff đã giới thiệu 5 Câu Hỏi Kiểm Tra Tính Hiển Nhiên, cung cấp cho người đọc những hướng dẫn thực tế để xác định các giải pháp hiển nhiên.
Khi xem xét các giải pháp cho một vấn đề, hãy tự hỏi:
- Đó có phải là giải pháp đơn giản nhất không?
- Nó có giải quyết được vấn đề cơ bản không?
- Nó có thể được giải thích trong một câu không?
- Một người bình thường có thể hiểu nó ngay lập tức không?
- Bạn có thể nói, “Tại sao tôi không nghĩ ra điều đó?” không?
Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ làm sáng tỏ giải pháp hiển nhiên.
Hiển Nhiên Có Đơn Giản Không?
Không hẳn. Trong “Obvious Adams”, một giải pháp hiển nhiên là một giải pháp hợp lý vì nó giải quyết được vấn đề chính. Tuy nhiên, giải pháp này có thể không phải lúc nào cũng đơn giản.
“Mọi thứ nên được làm đơn giản nhất có thể, nhưng không đơn giản hơn.” – Albert Einstein
Khi Hiển Nhiên Không Đơn Giản:
Hãy xem xét vấn đề biến đổi khí hậu. Giải pháp hiển nhiên là chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon.
Nhưng việc thực hiện điều này không hề đơn giản. Nó liên quan đến việc điều hướng các lợi ích chính trị, thực tế kinh tế, và thách thức xã hội khác nhau. Thêm vào đó là những yếu tố khó lường từ các nhà hoạt động khí hậu, và mọi thứ có thể trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ, khiến quá trình này trở nên cực kỳ phức tạp.
Ở đây, hướng đi là hiển nhiên, nhưng các bước liên quan đòi hỏi sự tham gia và phối hợp ở quy mô lớn.
Khi Đơn Giản Không Hiển Nhiên:
Một giải pháp có thể đơn giản nhưng không hiển nhiên ngay lập tức. Ví dụ, một người đang vật lộn với căng thẳng mãn tính có thể thấy rằng một giải pháp đơn giản như thiền định hàng ngày có thể giúp ích rất nhiều.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa việc giảm căng thẳng và việc ngồi yên lặng trong 15 phút có thể không hiển nhiên với tất cả mọi người cho đến khi họ tự mình trải nghiệm. Đôi khi, phải trải nghiệm mới nhận ra sự đơn giản của giải pháp.
Tìm Kiếm Sự Cân Bằng
Điều quan trọng là sự đơn giản và sự hiển nhiên đều có giá trị, nhưng chúng phục vụ các mục đích khác nhau. Sự hiển nhiên nói lên sự rõ ràng của hướng đi: Cần phải làm gì?, trong khi sự đơn giản đề cập đến sự dễ dàng thực hiện: Làm điều đó như thế nào?
Thách thức là tìm ra các giải pháp vừa hiển nhiên vừa đơn giản nếu có thể, nhưng phải nhận ra khi nào một giải pháp có thể hiển nhiên nhưng lại đòi hỏi cách thực hiện phức tạp.
Đôi khi, không có lối thoát dễ dàng.
Obvious Adams – Làm Điều Hiển Nhiên
Điều làm cho “Obvious Adams” trở nên vượt thời gian là khả năng ứng dụng của nó vượt ra ngoài kinh doanh và quảng cáo. Các nguyên tắc nhận biết và hành động dựa trên sự hiển nhiên có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống, cung cấp hướng dẫn vượt qua một số thách thức lớn nhất của chúng ta.
Sức mạnh của sự hiển nhiên nằm ở khả năng loại bỏ những thứ rườm rà và tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Nó không phải lúc nào cũng là một giải pháp tức thì hay một phương thuốc thần kỳ, nhưng nó cung cấp một điểm khởi đầu rõ ràng, một bước đi khả thi đưa chúng ta đến gần hơn với giải pháp.
Cách tiếp cận thẳng thắn này cho phép chúng ta bỏ qua sự phức tạp không cần thiết và hành động dựa trên những gì rõ ràng, trực tiếp và hiệu quả. Và đó cũng là cách mà tôi đang cố gắng áp dụng trong công việc và cuộc sống của mình.
Bạn có thể email tôi về địa chỉ tam@dagency.vn để nhận link đọc sách Obvious Adams miễn phí.