Trong thế giới marketing đầy cạnh tranh, nơi mà sự chú ý của khách hàng trở thành “tài nguyên” quý giá nhất, việc hiểu rõ họ nghĩ gì, cảm thấy thế nào, và tại sao họ lại đưa ra quyết định mua hàng, là chìa khóa vàng dẫn đến thành công. Nhưng liệu những gì khách hàng nói ra có thực sự là những gì họ nghĩ?
Đó là lúc Neuromarketing (Tiếp thị thần kinh) bước vào “cuộc chơi”.
Tôi luôn tin rằng, để tạo ra những chiến dịch thực sự hiệu quả, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc phân tích các số liệu khô khan, mà còn phải lặn sâu vào tâm trí, vào những phản ứng vô thức của khách hàng. Neuromarketing chính là công cụ đắc lực giúp chúng ta làm điều đó.
Bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn, những người làm marketing, những chủ doanh nghiệp, 15 ví dụ thực tế, sinh động về cách Neuromarketing đã và đang được ứng dụng để “đọc vị” não bộ khách hàng, từ đó tạo ra những chiến lược marketing “chạm” đúng insight, đúng cảm xúc.
Neuromarketing Là Gì?
Neuromarketing hiểu trong tiếng Việt là Tiếp Thị Thần Kinh, tiếp thị giữa trên các nghiên cứu khoa học ở cấp độ thần kinh, là sự kết hợp giữa khoa học thần kinh (neuroscience) và tiếp thị (marketing).
Nó sử dụng các công cụ đo lường hoạt động não bộ (như fMRI, EEG) và các chỉ số sinh lý khác (nhịp tim, biểu cảm khuôn mặt, hướng nhìn của mắt,…) để hiểu rõ hơn về những phản ứng vô thức, những cảm xúc ẩn giấu của khách hàng đối với các sản phẩm, quảng cáo, bao bì, giá cả,…
Neuromarketing có thực tiễn không?
Rất thực tiễn và cực kỳ quan trọng, như tôi đã từng chia sẻ trong các bài viết về kinh tế học hành vi, con người chúng ta thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và vô thức nhiều hơn là lý trí.
Những gì khách hàng nói ra trong các cuộc khảo sát, phỏng vấn đôi khi không phản ánh đúng những gì họ thực sự cảm nhận.
Neuromarketing giúp chúng ta “vượt qua” lớp vỏ lý trí đó, để “nhìn thấu” những phản ứng bản năng nhất của khách hàng.
15 Ví Dụ Neuromarketing “Đắt Giá” Cho Marketer:
Sức Mạnh Của Hình Ảnh & Thiết Kế:
- Ánh Mắt “Biết Nói”: Chắc chắn bạn biết quảng cáo có hình ảnh con người (đặc biệt là trẻ em) thường hiệu quả hơn. Nhưng Neuromarketing (cụ thể là công nghệ theo dõi ánh mắt – eye tracking) còn chỉ ra một điều thú vị hơn: Nếu em bé trong ảnh nhìn thẳng vào ống kính, người xem sẽ chỉ tập trung vào khuôn mặt em bé mà bỏ qua sản phẩm. Ngược lại, nếu em bé nhìn vào sản phẩm hoặc dòng chữ quảng cáo, ánh mắt người xem cũng sẽ vô thức hướng theo đó.
- Bài học: Đừng chỉ đặt hình ảnh người mẫu vào quảng cáo cho đẹp. Hãy định hướng ánh mắt của họ đến thông điệp hoặc sản phẩm bạn muốn khách hàng chú ý.

- “Ma Lực” Của Bao Bì: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”? Chưa chắc! Neuromarketing đã chứng minh điều ngược lại. Thương hiệu bim-bim (snack) Lay’s của Pepsico đã sử dụng hình ảnh thần kinh (neuroimaging) để thiết kế lại bao bì. Họ phát hiện ra rằng, khách hàng thường có phản ứng tiêu cực (ở cấp độ tiềm thức) với bao bì quá bóng loáng, nhưng lại “dễ chịu” hơn với bao bì có bề mặt in nhám mờ (matte). Kết quả? Lay’s đã thay đổi hoàn toàn bao bì của họ.
- Thực tiễn: tôi muốn bạn bước vào bất kỳ tiệm tạp hóa/siêu thị nào, đi đến quầy snack/bim-bim, thử cầm 2 loại bao bì bóng và mờ, và xem bạn thích loại nào hơn.
- Bài học: Bao bì không chỉ để chứa đựng sản phẩm. Nó là điểm chạm đầu tiên, là “vũ khí” giao tiếp thầm lặng với não bộ khách hàng. Đừng tiếc đầu tư vào thiết kế bao bì dựa trên insight từ Neuromarketing.
- “Ngôn Ngữ” Của Màu Sắc: Màu sắc có khả năng gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ. Coca-Cola với màu đỏ đầy năng lượng, hay các ngân hàng, công ty công nghệ thường chuộng màu xanh dương tạo cảm giác tin cậy, chuyên nghiệp… đều là những ví dụ điển hình. Neuromarketing giúp xác định chính xác màu sắc nào phù hợp với thông điệp, đối tượng mục tiêu, và cảm xúc mà thương hiệu muốn khơi gợi.
- Bài học: Lựa chọn màu sắc trong branding và marketing không chỉ dựa trên sở thích. Hãy nghiên cứu về tâm lý học màu sắc và ứng dụng Neuromarketing để đưa ra quyết định tối ưu.
Đo Lường Hiệu Quả Quảng Cáo & Cảm Xúc Khách Hàng:
- “Soi Não” Để Đo Hiệu Quả Quảng Cáo: Thay vì chỉ dựa vào các cuộc khảo sát hay focus group (nơi người tham gia có thể nói dối hoặc không diễn đạt đúng cảm xúc), các nhà nghiên cứu Neuromarketing sử dụng fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) để xem vùng não nào được kích hoạt khi xem quảng cáo. Một nghiên cứu cho Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, quảng cáo nào kích hoạt mạnh nhất vùng não liên quan đến suy ngẫm về bản thân (self-reflection) thì có tỷ lệ gọi đến đường dây nóng cao hơn hẳn.
- Giải Mã Cảm Xúc Bằng EEG: Điện não đồ (EEG) giúp đo lường hoạt động điện của não, từ đó phân tích phản ứng cảm xúc của khách hàng (hứng thú, thất vọng, vui vẻ,…) đối với sản phẩm, quảng cáo, hay trải nghiệm website. Ví dụ, một nghiên cứu đo lường sự hài lòng với một sản phẩm trị liệu da cho thấy, mức độ hài lòng có liên quan đến hoạt động ở vùng não xử lý vẻ đẹp khuôn mặt.
- Bài học: EEG là công cụ mạnh để đánh giá cảm xúc thực của khách hàng, giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề về sản phẩm hay thông điệp marketing.
- “Bóc Trần” Những Phản Hồi “Giả Trân”: Đôi khi, khách hàng nói một đằng, nhưng não bộ lại “nghĩ” một nẻo. Một quảng cáo Cheetos với tình huống chơi khăm (bỏ Cheetos màu cam vào máy giặt đồ trắng) bị các nhóm focus-group (khảo sát) chê bai, nhưng kết quả EEG lại cho thấy người xem thực sự thích thú. Lý do? Các nhóm focus-group sợ bị đánh giá là “xấu tính” nếu thừa nhận mình thấy trò đùa đó vui.
- Bài học: Neuromarketing giúp khám phá những suy nghĩ, sở thích “thầm kín” mà khách hàng không dám hoặc không muốn thừa nhận.
Tận Dụng Các “Lối Tắt” Tâm Lý & Thiên Kiến Nhận Thức:
- Nỗi Sợ Mất Mát (Loss Aversion): Như tôi đã đề cập trong bài viết về Lý thuyết triển vọng, nỗi sợ mất đi một thứ gì đó thường mạnh mẽ gấp đôi niềm vui khi có được nó. Đây là lý do tại sao các chiến thuật “Mua trước khi hết hàng!”, “Ưu đãi có hạn!” lại hiệu quả đến vậy. Việc “đóng khung” (framing) lựa chọn theo hướng nhấn mạnh sự mất mát tiềm năng sẽ thúc đẩy khách hàng hành động nhanh hơn.
- Bài học: Tận dụng tâm lý sợ mất mát một cách khéo léo (và có đạo đức) để tạo động lực mua hàng.
- Hiệu Ứng Mỏ Neo (Anchoring Effect): Quyết định của chúng ta thường bị “neo” vào thông tin đầu tiên chúng ta nhận được. Các nhà marketing thường sử dụng “mỏ neo” giá cao để khiến các mức giá sau đó trông hợp lý hơn, hoặc đưa ra một lựa chọn “mồi” (decoy option) để hướng khách hàng đến lựa chọn mà họ mong muốn. Ví dụ, một phòng khách sạn giá tương đương nhưng có thêm “miễn phí cà phê buổi sáng” sẽ dễ được chọn hơn, dù chất lượng phòng có thể không bằng.
- Bài học: Hãy là người “thả neo” đầu tiên một cách thông minh trong các chiến lược giá và thuyết phục.
- “Nhanh” Đôi Khi Tốt Hơn “An Toàn”: PayPal đã thực hiện một nghiên cứu Neuromarketing và phát hiện ra rằng, đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến, lời hứa về tốc độ và sự tiện lợi lại kích thích khách hàng nhiều hơn là lời hứa về bảo mật. Họ đã thay đổi chiến lược marketing, tập trung nhấn mạnh vào tốc độ giao dịch, và thu hút được nhiều người dùng hơn.
- Bài học: Hãy thực sự hiểu điều gì thúc đẩy khách hàng của bạn nhất. Đôi khi, đó không phải là điều bạn nghĩ.
- Quyết Định Mệt Mỏi (Decision Fatigue) & Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn: Một nghiên cứu của Đại học Columbia cho thấy, khi đối mặt với quá nhiều lựa chọn (ví dụ: một quầy hàng trưng bày 24 loại mứt so với quầy chỉ có 6 loại), khách hàng lại có xu hướng… không mua gì cả. Quá nhiều lựa chọn khiến não bộ bị quá tải và dẫn đến “tê liệt quyết định”.
- Bài học: Đừng khiến khách hàng “bơi” trong quá nhiều lựa chọn. Hãy giới hạn các phương án, làm nổi bật những lựa chọn tốt nhất, và giúp họ đưa ra quyết định dễ dàng hơn.
- Đọc bài phân tích chi tiết về Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn.
Ứng Dụng Neuromarketing Trong Thiết Kế & Trải Nghiệm:
- “Gây Nghiện” Bằng Thưởng Phạt (Trong Game): Các nhà thiết kế game hiện nay thường xuyên hợp tác với các nhà tâm lý học. Họ sử dụng các nguyên tắc thưởng/phạt, tạo ra các vòng lặp dopamine (chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác sung sướng) để giữ chân người chơi, khiến họ “nghiện” game lúc nào không hay.
- Bài học: Nguyên tắc “thưởng phạt” có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác (gamification trong marketing, chương trình khách hàng thân thiết,…) để tạo động lực và thay đổi hành vi.
- Thiết Kế Sản Phẩm “Chạm Não Bộ”: Hyundai đã sử dụng EEG để thử nghiệm các mẫu xe concept của họ. Họ đo lường phản ứng não bộ của người dùng đối với các đặc điểm thiết kế khác nhau, từ đó xác định những yếu tố nào kích thích ý định mua hàng mạnh nhất và điều chỉnh lại thiết kế ngoại thất.
- Bài học: Neuromarketing có thể giúp tối ưu hóa thiết kế sản phẩm ngay từ giai đoạn đầu, thay vì chỉ dựa vào cảm tính hay khảo sát thông thường.
- Ma Trận Giá Cả: Con số 99.000đ thay vì 100.000đ đã quá quen thuộc. Nhưng Neuromarketing còn tiết lộ thêm: Các con số chẵn (ví dụ: 100.000đ) thường hiệu quả hơn khi khách hàng ra quyết định dựa trên cảm xúc, trong khi các con số lẻ và phức tạp (ví dụ: 97.500đ) lại hiệu quả hơn khi khách hàng cần suy nghĩ logic. Tại sao? Vì các con số phức tạp khiến não bộ phải “vận động” nhiều hơn, và đôi khi, não bộ “nhầm tưởng” rằng sản phẩm có giá phức tạp hơn thì… “xịn” hơn.
- Bài học: Chiến lược định giá cần linh hoạt và dựa trên bối cảnh tâm lý của khách hàng tại thời điểm ra quyết định.
- Bố Cục Website “Thuận Mắt, Thuận Não”: Từ màu sắc, font chữ, đến cách sắp xếp bố cục,… đều ảnh hưởng đến cách khách hàng tương tác với website. Neuromarketing cho thấy:
- Sử dụng các yếu tố “bằng chứng xã hội” (chứng chỉ, review, logo đối tác,…) làm tăng độ tin cậy.
- Bố cục theo chiều dọc (cuộn xuống) thường hiệu quả hơn chiều ngang, vì nó phù hợp với thói quen đọc tự nhiên và khuyến khích người dùng khám phá thêm nội dung.
- Bài học: Tối ưu hóa website không chỉ là về SEO, mà còn là về việc tạo ra một trải nghiệm mượt mà và thuyết phục cho não bộ người dùng.

- Tiêu Đề “Kích Thích” Não Bộ (Hippocampal Headlines): Nghiên cứu tại University College London phát hiện ra rằng, khi một cụm từ quen thuộc bị thay đổi đi một chút (ví dụ: “Đèn nhà ai nấy tắt” thay vì “Đèn nhà ai nấy sáng”), nó sẽ kích hoạt vùng hải mã (hippocampus) trong não bộ, khiến chúng ta chú ý hơn.
- Bài học: Sáng tạo trong cách đặt tiêu đề, sử dụng những biến tấu thông minh từ những câu nói quen thuộc có thể giúp nội dung của bạn nổi bật và dễ nhớ hơn.
Neuromarketing – Khoa Học Thấu Hiểu Khách Hàng
15 ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn ứng dụng của Neuromarketing.
Nó cho thấy rằng, để thành công trong marketing thời đại AI, khi mà mọi công việc kỹ thuật và sáng tạo có thể được tự động hóa.
Thì cái chúng ta cần, là phải thấu hiểu khách hàng ở một cấp độ sâu sắc hơn – cấp độ não bộ.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, Neuromarketing là một công cụ khoa học, không phải là “phép thuật” để “thao túng” khách hàng. Việc ứng dụng nó cần phải đi đôi với đạo đức và trách nhiệm.
Hãy sử dụng Neuromarketing để hiểu khách hàng hơn, phục vụ họ tốt hơn, tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm thực sự có giá trị. Đó mới là con đường marketing bền vững mà tôi, Đặng Tâm, tin tưởng và theo đuổi.
Các nguồn tham khảo:
- Morin, C. Neuromarketing: The New Science of Consumer Behavior. Soc 48, 131–135 (2011). https://doi.org/10.1007/s12115-010-9408-1
- Ariely, D., Berns, G. Neuromarketing: the hope and hype of neuroimaging in business. Nat Rev Neurosci 11, 284–292 (2010). https://doi.org/10.1038/nrn2795